Việt Nam mua lượng lớn tên lửa phòng không hiện đại cho tàu hải quân

Theo báo cáo của SIPRI, Việt Nam đã đặt mua tới 200 quả tên lửa phòng không hiện đại cho các tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới.

Cập nhật tin quan su mới nhất tại TINTUC.VN

Ông Rafis Fatykhov, phát ngôn viên Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk vừa xác nhận cách đây ít hôm rằng Việt Nam đang tiến hành đàm phán với Nga về việc đặt mua thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, nâng tổng số lên 6 chiếc.

Việc Việt Nam mua thêm tàu Gepard đã được các chuyên gia quan su dự đoán từ lâu và chỉ là sớm hay muộn. bởi trong bối cảnh Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột cục bộ, chớp nhoáng, khiến Việt Nam phải nhanh chóng tăng cường sức mạnh cho hải quân.

Tuy nhiên, do cặp tàu thứ hai bị chậm tiến độ, dự kiến 2017 – 2018 mới giao, có thể khiến việc ký hợp đồng tiếp theo sẽ diễn ra muộn, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ đàm phán để tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhằm tự đóng 1 chiếc trong nước.

Cấu hình của 2 cặp tàu Gepard đầu tiên đã rõ, trong đó cặp tàu thứ 2 được bổ sung tính năng săn ngầm hoàn chỉnh. Riêng cặp tàu thứ 3, cấu hình vũ khí còn chưa được tiết lộ, tuy nhiên, có nhiều đồn đoán rằng chúng sẽ có khả năng phòng không mạnh hơn 2 cặp trước.

Chỉ có một điều chắc chắn là tất cả các cặp tàu dù đã, đang và sẽ đóng đều được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Palma.


Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 của Việt Nam được trang bị tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Palma sử dụng đạn tên lửa 9M311 Sosna-R

Việt Nam đã đặt mua số lượng lớn tên lửa phòng không

Theo thống kê của SIPRI, Việt Nam đã đặt mua tới 200 quả tên lửa 9M311 Sosna-R dùng cho tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Palma trang bị trên các tàu Gepard. Xét về logic, số lượng đạn tên lửa đặt mua phải tương ứng với số tàu dự kiến sẽ đưa vào trang bị.

Mỗi tổ hợp Palma gồm 8 quả đạn 9M311. Như vậy, số đạn tên lửa đủ lớn để trang bị cho ít nhất 6 tàu Gepard, bởi chia đều, mỗi tàu sẽ có khoảng 32 đạn tên lửa, tương đương với 4 cơ số. Trong đó một cơ số lắp sẵn trên bệ phóng và 3 cơ số đạn dự trữ. Qua đó, có thể khẳng định 2 điều:

Thứ nhất, Việt Nam chắc chắn sẽ mua 6 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard. Nhiều nguồn tin đã xác nhận việc này, chỉ là sớm muộn mà thôi.

Thứ hai, các tàu tiếp theo dự kiến đặt mua cũng sẽ được trang bị ít nhất 1 tổ hợp pháo/tên lửa Palma. Các vũ khí khác còn phải chờ đến khi hai bên chính thức ký hợp đồng và công bố cấu hình.


Tên lửa phòng không 9M311 (Sosna-R) có trọng lượng 57 kg, dài 2.560 mm, mang theo đầu đạn nặng 9 kg, tầm bắn 8 – 10 km, tốc độ 1.100 m/s

Tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Palma có gì đặc biệt?

Theo một diễn biến khác, ngày 19.5 vừa qua, ông Slobodchikov – Giám đốc Viện Thiết kế Kbtochmash cho biết Palma là tổ hợp tên pháo/tên lửa hiện đại, uy lực cao, có vai trò làm vũ khí phòng không, đánh chặn tên lửa chủ yếu của các tàu Gepard.

Việt Nam tỏ ra là nhà nhập khẩu vũ khí hết sức “tinh khôn”, bởi lựa chọn này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà dựa trên kinh nghiệm tác chiến, “biết địch, biết ta”. Tổ hợp phòng không Palma hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu cao nhất khi tác chiến trên biển:

– Hiệu quả chiến đấu vượt trội, đầy uy lực, nhờ kết hợp pháo và tên lửa có độ chính xác cao để chống lại mục tiêu tốc độ lớn, bay thấp và siêu thấp như tên lửa diệt hạm, tên lửa hành trình cùng các loại mục tiêu bay khác.

– Thời gian phản ứng cực nhanh nhờ tự động hóa hoàn toàn quá trình chiến đấu và có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm. Ngoài ra, tổ hợp còn có khả năng kháng nhiễu tốt, khó bị chế áp.

– Thông qua hệ thống quang truyền hình, Palma có thể bám bắt mục tiêu dẫn đường cho tên lửa 9M311 đánh chặn các tên lửa diệt hạm siêu âm bay siêu thấp từ cự ly 8 – 10 km, tạo thành lớp phòng thủ thứ nhất.

Xác suất tiêu diệt thành công tên lửa hành trình đạt từ 0,6 – 0,85, khiến cho ít có loại tên lửa nào lọt qua được, trừ trường hợp bị bắn nhiều đạn cùng lúc từ các hướng khác nhau, gây quá tải hệ thống.

– 2 pháo siêu tốc 6 nòng AO-18KD cỡ 30 mm, tốc độ bắn 10.000 viên/phút, tạo lớp phòng thủ thứ 2, với màn đạn dày đặc, đủ sức diệt các mục tiêu còn lại khi đã lọt qua vùng hỏa lực của tên lửa.

Tóm lại, việc Việt Nam lựa chọn tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Palma hiện đại cho các tàu Gepard là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, do cự ly gần nên chúng chỉ tạo thành vùng hỏa lực mang tính tự vệ.

Vì vậy, trong tương lai chắc chắn Hải quân Việt Nam cần phải được trang bị các tàu phòng không hạm đội với tên lửa tầm trung/xa, đủ sức tạo thành “ô phòng không” cho biên đội tàu tác chiến độc lập trên biển xa, khi khả năng chi viện của không quân còn có hạn.