HAGL đá đẹp nhưng rườm rà
HAGL là đội bóng đá đẹp, đá kỹ thuật, đá cống hiến, không coi trọng thành tích trước mắt, đó là những ấn tượng phổ biến nhất về đội bóng này. Tuy vậy, sau những gì đã diễn ra, đã thay đổi, cái “đẹp” của HAGL chỉ đạt được vài phần so với hứa hẹn ban đầu. Họ còn thiếu nhiều thứ để tiến bộ, để vươn cao, và để “đẹp” cho đúng nghĩa.
>>> Xem lich thi dau bong da anh
>>> Xem Ket qua bong da truc tuyen
HAGL không giống Arsenal
Arsenal được gán cho cái danh “đá đẹp nhưng không có danh hiệu”, tuy nhiên những ai theo dõi đội bóng này một cách công tâm sẽ thấy, Arsenal vẫn luôn muốn hướng đến thành tích tốt nhất với phong cách của mình. Họ ngày một chú trọng hơn cho phòng ngự, chấp nhận phòng thủ phản công khi cần thiết, và luôn ý thức được vị trí, trung thành với mục tiêu của mình.
Xét về tiềm lực đầu tư, chất lượng đội hình, việc Arsenal luôn có mặt trong top 4 Premier League có thể coi là thành công, dù ai có dè bỉu họ thế nào đi nữa. Mùa này, thậm chí Arsenal còn vươn lên trên cả những ông lớn ”có điều kiện” hơn như Man City hay MU. Còn về danh hiệu, không phải Arsenal không muốn, không cần, họ không “cống hiến suông”, họ đã nỗ lực và kết quả thì đúng với khả năng họ có.
HAGL của bầu Đức thì khác, họ đầu tư tốn kém nhất, quảng cáo rầm rộ nhất, các cầu thủ được nâng đỡ bao bọc hoàn hảo nhất ở môi trường V-League. Không chỉ là “hơn”, mà các cầu thủ trẻ HAGL có điều kiện khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại. Đó là thứ mà HAGL chẳng giống hoàn cảnh của Arsenal một chút nào.
Arsenal đá mềm mại, ban bật tốt, nhưng họ không đề cao tính rườm rà, cá nhân của cầu thủ, không ai cầm bóng, rê bóng, và để mất bóng nhiều như các tiền đạo HAGL. Họ cũng cực kỳ biết giá trị của những đường bóng dài, đơn giản, hay những pha bóng bổng, cố định. Có thể nói, Arsenal đá bóng dựa trên một triết lý và phục vụ một cái đích rõ ràng, còn HAGL đá chỉ mới để phục vụ cho bản thân triết lý đó.
Một cách nghĩ đầy cảm tính khác, đó là mặc định các bàn thắng của HAGL đều đẹp mắt, xứng đáng, còn các bàn thắng của đối phương đều có phần may mắn, vì hậu vệ lỗi, hay “đá kiểu đơn giản mà cũng vào”.
Trong trận đấu mới đây, bàn mở tỷ số từ pha phối hợp của hai ngoại binh chắc hẳn làm nức lòng những người hâm mộ đội bóng phố núi, nhưng chẳng phải nó cũng quá cơ bản, quá thực dụng, đậm chất “phất bóng dài cho Tây” mà họ phê phán đó ư?
Bàn gỡ ấn định tỷ số 2-2 cũng chỉ là một dấu ấn cá nhân nhất thời. Arsenal hiệu quả hơn, biết giành điểm hơn, chịu được nhiều loại đối thủ hơn, còn HAGL thì vẫn kiên quyết với ý nghĩ mình đang làm tốt chỉ cần lứa trẻ đá kỹ thuật đến từ học viện JMG, bất kể trên thực tế, thành tích của câu lạc bộ cứ phụ thuộc dần vào những nhân tố bên ngoài, cả nội lẫn ngoại binh.
Đối thủ của HAGL cũng có đầy lý do để tiếc nuối nếu không thể thắng đội bóng của bầu Đức, họ cũng phải chịu những bàn thua không quá thuyết phục trước HAGL vì lơ là hay sai sót, họ cũng bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn (như Quảng Nam khoảng trống thì nhiều nhưng phản công khá dở). Nhưng với nhiều người, chỉ có chiều ngược lại, chỉ có HAGL nên tiếc, HAGL nên được thông cảm, bênh vực mà thôi.
Tất cả các đội khác đều vô tình phải sắm vai “kẻ ác” trong bộ phim đẹp đẽ về HAGL trong lòng nhiều khán giả, và cả trong lòng nhiều bình luận viên nữa (qua cách họ phản ứng khi hai đội ghi bàn). Bản thân đội bóng HAGL không có gì xấu, không có gì đáng ghét, nhưng họ thật giống một nhân vật được tô vẽ quá đà trong một tác phẩm văn học mà cái nhìn chỉ xuôi theo một hướng.
Cái đẹp không chỉ là cảm tính
Nếu tiếp tục được đầu tư, tiếp tục được cọ sát, HAGL JMG lứa này và các lứa sau sẽ góp phần nâng mặt bằng đội tuyển. Nhưng cũng phải thấy rằng, bầu Đức chưa giới thiệu được những “sao mai” ở nhiều vị trí, chỉ lác đác ở tuyến tiền vệ và tiền đạo, nhìn chung là thiên về tấn công, dĩ nhiên vị trí khác trên tuyển sẽ thuộc về cầu thủ nơi khác. Bị xé lẻ, các cầu thủ đến từ học viện phố núi còn phải đối mặt với tính thích nghi, khi hiện tại họ đang có vẻ cứng nhắc, lệ thuộc vào môi trường mà mình khôn lớn.
Ông bầu của HAGL đã nói rất nhiều điều cao đẹp, hứa hẹn về các “gà nòi” U19. Song song với đó, ông liên tục hạ thấp nền bóng đá Việt Nam, hạ thấp các đối thủ và hạ thấp cả cách họ chiến thắng chính HAGL. Đến nay, hình ảnh văn hóa, fair-play, lễ phép đã mờ nhạt, Tây cũng không “chấp” nữa, cái “lứa” mà ông kỳ vọng cũng rơi rụng ít nhiều.
Sự cảm tính của người đứng đầu là khá rõ, người bỏ tiền nhưng không phải người trực tiếp huấn luyện, cũng không phải người xỏ giầy ra sân. Rồi các em sẽ tiến bộ, sẽ giỏi hơn các đàn anh, nhưng đợi đến lúc đó rồi tung hô, rồi tự hào mình đã thay đổi diện mạo bóng đá nước nhà cũng chưa muộn. Còn bây giờ, ở V-League, HAGL đã là gì đâu?
Nhìn những phút cuối trận mỗi khi HAGL bị dẫn trước, thì việc họ ít tạt bóng, treo bổng cầu may không hẳn là cách “giữ bản sắc” khôn ngoan. Chỉ là tự họ đã không cho phép mình rèn luyện để tự tin với nhiều phương án, dẫn đến có muốn đá thực dụng ít phút thôi cũng đá không nổi.
Thế giới bóng đá rất rộng lớn, chẳng ai vươn đến đỉnh cao khi chỉ thắng được “một kiểu đối thủ duy nhất”. Bàn gỡ từ chấm đá phạt của Đông Triều trước Quảng Nam là quá đẹp, quá kỹ thuật, song dù có đá phạt 10 quả vào 9 đi nữa, sẽ chẳng ai chọn một trung vệ chỉ vì anh ta biết đá phạt vào đội hình xuất phát cả.
David Luiz chính là minh chứng cho việc một cầu thủ lớn không thể chỉ đi lên từ một vài kỹ năng bắt mắt. Mourinho đôi lúc cực đoan và gây khó chịu với triết lý của ông, nhưng ít nhất ông biết đội bóng cần những người thế nào, và muốn thắng thì phải làm gì.
HAGL tạo ra nhiều thứ “đẹp”, nhưng đây là thể thao, là thi đấu, nó cần nhiều hơn như vậy. Đáng lẽ nó phải được dạy từ lâu, từ khi các em mới chập chững “học nghề”. Ở châu Âu, 20 tuổi đã phải cạnh tranh chỗ đứng, còn 20 tuổi của chúng ta vẫn là “tụi nhỏ”, vẫn phải được chở che, mà tuổi nghề của ta nào có dài bằng họ?
Cầm hòa Quảng Nam ở những phút cuối đã đáng mừng với HAGL lúc này. Đội bóng bắt đầu giống “ngân hàng điểm”, khi Hà Nội T&T thua suốt, gặp HAGL là thắng, sau đó lại thua, còn Quảng Nam chưa từng thắng trên sân khách thì cũng suýt làm được ở sân Pleiku. HAGL càng thắng ít thua nhiều, rồi phải sửa chữa, thay đổi nhiều so với tư tưởng, phương hướng ban đầu, thì càng chứng tỏ cái “ban đầu” đó rất có vấn đề.
Chẳng sao cả, ai cũng vậy thôi, mới làm phải có nhầm lẫn, phải có kinh nghiệm để làm tốt hơn, HAGL là một mô hình hay chứ chẳng hề tệ. Song, thay vì để khoản “nói” luôn đi trước và sai khác với khoản “làm” thì chi bằng cứ làm đã, xem xét thực tế đã, rồi được tới đâu hay tới đó, thành quả sẽ được ghi nhận, khâm phục hơn nhiều. Tự nhận mình là “vàng” thì bị soi mói kỹ, chẳng trách được ai.
Với tình hình này, nếu các đội tuyển vẫn có ý định lấy cầu thủ từ nhiều nguồn, sẽ chỉ đôi ba người đến từ HAGL JMG đáp ứng được yêu cầu. Muốn lên tuyển và là trụ cột, cần sẵn sàng hòa nhập nhiều lối đá, phối hợp với các đồng đội có “tư duy gốc” khác mình và đối mặt với nhiều địch thủ với nhiều phong cách, chứ không phải ai cũng nhẹ nhàng như lúc làm quân xanh tập với nhau trong học viện. Quan trọng nhất, phải đủ ổn định, không xuất sắc thì tròn vai ở vị trí mình đảm nhiệm, mà rất ít người như thế trong lứa U19 HAGL.
Một lứa rất chất lượng nữa sau lưng những Tuấn Anh, Công Phượng sẽ ra lò, mong rằng khi ấy, các em đã được chuẩn bị, hay ít ra là sẽ được tiếp cận bóng đá chuyên nghiệp với những tư tưởng hợp lý, hoàn chỉnh hơn, thực tế hơn.
Người ta không yêu Barca chỉ vì đá đẹp đâu, mà còn vì Messi hay ghi bàn, vì đội bóng hay giành cup, người ta yêu Arsenal vì họ chiến đấu bằng thực lực để có vị trí trong top 4, chứ nếu xếp thứ 8, thứ 10 thì chắc chẳng ai vui. Dortmund đẹp là thế, tuyệt vời là thế cũng mau chóng tan nát khi hiệu quả không còn, thành tích tụt dốc. HAGL có may mắn là sự đầu tư, cần tận dụng nó cho triệt để.
Cảm xúc là một nguyên liệu chứ không phải tất cả để làm nên cái đẹp. Những bộ phim hay, thiết kế đẹp đều bắt đầu từ việc phân tích, ứng dụng các nguyên tắc, linh động theo yêu cầu để chế biến thành sản phẩm mong muốn, có tác dụng như ý. Chẳng tác phẩm nghệ thuật nào đắt giá chỉ bằng sự ngẫu hứng, không cần phương pháp, không cần hiểu mình và hiểu đời. Thành công trong lĩnh vực nào cũng thế, và bóng đá thì cũng vậy thôi.