Tuổi 22 bạn được phép mỉm cười với những sai lầm
Tuổi 22, tôi dành ngày nghỉ cuối tuần ngắn ngủi đi gặp bạn, rời xa các chuyến du lịch bụi, cắm trại dưới khách sạn ngàn sao hay những chuyến leo núi đến đập mặt vào đá của thời đại học; rời xa những công tác tình nguyện, những tour du lịch mồ hôi ướt đẫm lưng áo; rời xa những ngày nắng cháy đi chạy chương trình, những ngày học đường với những tâm sự thở than lo lắng về điểm số và sự mệt mỏi trước mỗi kỳ thi; rời xa cả những đón đưa đợi chờ ai kia. Tôi và những người bạn mỗi đứa đi theo con đường riêng, hiếm hoi lắm mới hẹn được một ngày đông đủ. Để rồi vào giây phút ấy, dự định, kế hoạch, suy nghĩ bất tận, sự hoang mang, chênh vênh của người trẻ đang học cách trưởng thành lại có dịp giãi bày, giao thoa và thấu hiểu với một niềm tin “Có lẽ chỉ chúng mình mới hiểu nổi nhau”.
Tuổi 22, tôi hiểu sâu sắc tam su tinh yeu hơn hết cách mà một bộ phận người lớn đã tự giết ước mơ của mình như thế nào, đã đi theo lối mòn cuộc đời gia đình định ra cho họ ra sao. Tôi hiểu tại sao đến giai đoạn này người ta lại sống những cuộc đời giống nhau đến thế: đi làm, kiếm tiền, kiếm vợ/kiếm chồng và sinh con, ổn định (hoặc không) với một cuộc sống bình bình. Ở tuổi này, tôi có cảm giác dường như những lần check in tại công ty to này, tập đoàn lớn nọ trên Facebook thật ra rất vô nghĩa, vì trong tâm họ đang dậy sóng và hoang hoải nhiều hơn thế so với vẻ ngoài yên ổn, tốt đẹp. Biết đâu cũng nhiều trong số những bạn sinh viên năm cuối kia đang muốn đập vỡ hệ giá trị mà họ tin tưởng từ trước đến nay. Người ta dường như phải gồng mình lên để lo lắng xin được một công việc tốt, có được cơ hội thăng tiến rồi lại tự chùng chình, lạc trong những câu hỏi của chính mình: Thật sự mình hợp với nghề gì? Tại sao mình lại đang ở đây? Tại sao muốn đứng lại mà mọi người cứ đẩy mình đi”.
Tuổi 22, tôi có đi dự vài ba đám cưới, không bao giờ đánh giá khi họ làm cô dâu, chú rể ở tuổi này hoặc thậm chí có người còn sớm hơn. Tôi xúc động khi nhìn thấy ánh mắt của đôi vợ chồng trẻ trên sân khấu nhìn nhau đắm đuối. Với một niềm tin mãnh liệt rằng kết hôn ở tuổi 22 dường như không có chỗ cho những toan tính, họ đã yêu và thuộc về nhau, còn gì tuyệt vời hơn cho một tình yêu có cái kết như vậy. Rồi tôi cũng xúc động hơn khi cô bé ngày nào cùng mình cắp sách tới trường nay đã một mình dọn về sống trong một ngôi nhà mới, với những người tạm gọi là xa lạ; phải học cách đối nhân xử thế, khéo léo, phải biết chăm chồng con. Hơi hoang mang cho bạn, rồi tôi lại tự nhủ: “Rồi cậu sẽ ổn thôi! Đi lấy chồng là một cách học làm người lớn hữu ích đó chứ”.
Ở một giây phút khác, tôi xúc động và cảm thấy tim như thắt lại khi lắng nghe tâm sự của cô bạn ngồi đối diện vừa từ phương xa trở về. Cô đầy háo hức kể về dự án viết sách sắp tới, đầy xúc động khi kể về những cung đường một mình của tuổi trẻ nơi xứ người. Bằng tất cả những đam mê, những nhiệt thành, cô nói “Vì sao tao viết sách? Vì tuổi trẻ này cần được kể lại”.
Tuổi 22, ngày tháng “work to learn” (làm việc để học) chứ không phải “work to earn” (làm để ăn), có những lúc chỉ mong được tách xa khỏi thành phố bụi bặm, được quẩy, được điên rồ, được xách ba lô lên và đi, thậm chí là mong được đi một mình để trọn vẹn khám phá thế giới. Ở tuổi này, xung quanh tôi là những cuộc đời với ngã rẽ và những nỗi niềm khác nhau.
Tôi không viết những dòng này để khuyên người trẻ 22 nên đi hay nên ở, nên lập gia đình hay tiếp tục chơi đùa với nhiều mối tình khác nữa; chỉ viết để giãi bày và cũng tự nhủ: Hãy cứ ước mơ và tìm hứng khởi với con đường mình chọn. Hãy thôi so sánh, thôi nghĩ suy, thậm chí hãy cách ly vừa đủ để miễn dịch với những định kiến của xã hội, của gia đình, của cuộc sống. Vì tuổi trẻ này chẳng thể dành cho ai khác, hãy bước đi, yên tâm và thôi nuối tiếc. Chúng ta có thể sai lầm và có quyền mỉm cười vì điều đó. Hãy yên tâm, thật yên trong tâm.