Tôi nhận ra là con tôi đã cô độc vô cùng
Tôi nhận ra là con tôi đã cô độc vô cùng bởi suốt một thời gian dài tôi chỉ về đến nhà là cắm cúi cơm nước, nồi niêu,… rồi vợ chồng tôi cãi cọ,…
Chia sẻ trên bao phu nu: “Hồi ấy, tôi khoảng 13 tuổi. Nghe người ta nói rằng ngày tết phải cẩn thận, tránh làm vỡ đồ dùng vì như thế trong nhà sẽ có sự chia ly. Tôi đã lên kế hoạch trong đầu, vờ gom lại hết ly chén bố mẹ dùng để tiếp khách, mang xuống rửa sạch ở nhà sau, và (cố tình) làm 1 chiếc cốc rơi xuống đất. Nó chưa vỡ, tôi đập thêm lần nữa. Nó vỡ, tôi thở phào, gom hết những mảnh thủy tinh vào túi nilon, một miếng thủy tinh cứa vào tay tôi chảy máu nhưng tôi không cảm thấy đau. Vì tôi đang mừng, mừng quá, hi vọng năm ấy bố mẹ mình có thể ra tòa!”.
Nhưng rồi mãi cho đến hơn 10 năm sau, khi tôi đi lấy chồng, mẹ vẫn chịu đựng người cha vũ phu của tôi trong ngôi nhà to lớn, âm thầm. Tôi ghen tị với những người bạn có cha mẹ ly dị, bởi họ được sống vui cùng mẹ, được khóc khi buồn, được cười khi vui, được mẹ đưa đi chơi cuối tuần mà không phải sợ sệt liếc nhìn khuôn mặt bố, được nhõng nhẽo với món ăn mẹ gắp mà không lo tối nay bố say rượu về nhà gây gổ bất ngờ, được bật kênh ca nhạc, được nghêu ngao hát trong phòng tắm, được vui vẻ kể chuyện trường lớp, được điệu đà, váy vóc giày xinh mà không sợ bị tra tấn tinh thần bởi những lý do vô lý nhất; được có những đêm ngủ ngon không giật mình khóc nấc… Tôi không biết mọi người có lên án tôi không, khi tôi nói thực rằng tôi không có mong muốn nào lớn hơn là cha mẹ mình thanh thản chia tay nhau.
Tôi sợ phải thấy mẹ tôi bị đánh đập vì người chồng vũ phu…
Giữ chồng, để giữ bố cho con
Mẹ luôn nói rằng mẹ rất sợ người ta nói chị em rằng “con không cha như nhà không nóc”, nên dù đau khổ thế nào mẹ cũng cắn răng chịu đựng. Tôi không biết một “ngôi nhà không nóc” thì sẽ ra sao, nhưng từng ngày trôi qua trong ngôi nhà “có nóc” ấy, đối với tôi là những sự tra tấn tinh thần khủng khiếp. Không phải chỉ là đánh đập, bố tôi còn luôn hạch hỏi, kiểm soát và tìm mọi cách thể hiện uy quyền. Khoảng hai năm sau cái tết cố tình làm vỡ cốc mà bố mẹ không thể ra tòa, tôi bị trầm cảm nặng. Hồi đó khoảng trước năm 2000, tôi lại sống ở tỉnh lẻ nên hầu như người ta không có khái niệm gì về bệnh này. Vậy là họ quy hết mọi vấn đề về tinh thần, trí não thành bệnh “thần kinh”. Và tôi đã được đưa vào trại tâm thần, mỗi ngày tiêm 2 liều thuốc an thần, ngủ lì bì. Mỗi lần ngủ dậy tôi lại nhớ đến cảnh bố đánh tôi, và tôi lại hết lên, hoặc lại ngồi lì lợm nhìn bức tường trước mặt… Mất thêm khoảng một năm nữa, sau rất nhiều cố gắng mẹ mới đưa tôi đến khám ở chỗ của 1 bác sĩ rất giỏi ở thành phố lớn. Ông khẳng định rằng tôi không hề bị tâm thần, chỉ là tôi bị sang chấn tâm lý quá nặng và hiện đang trầm cảm!
Những ngôi nhà “không nóc”
Sau này, khi tôi làm cộng tác viên dạy ngoại ngữ cho một trường cấp 1-2 tại một thị trấn cũng nhỏ và hẻo lánh, y như thị trấn mà tôi lớn lên. Lúc ấy tôi được tiếp xúc nhiều hơn với những đứa trẻ đang “tuổi ăn tuổi lớn”. Mỗi đứa một tính cách, một đặc điểm khác nhau. Nhưng rất nhiều những đứa trẻ thuộc dạng cá biệt, thậm chí có đứa luôn ngơ ngác, không bao giờ nhớ đồ dùng học tập khi đến lớp, gần như không làm bài tập về nhà… Đó là nhóm trẻ sống trong gia đình khuyết. Những buổi chiều, chỉ có cái dáng lủi thủi của mẹ chúng đón về. Người đi xe đạp, người đi xe máy, người đi bộ… nhưng tất cả đều đơn độc, lủi thủi như nhau (hay là do tâm trí tôi tưởng tượng ra như thế). Tôi nghĩ đến mẹ mình. Nếu vào cái năm tôi cố tình đập vỡ chiếc ly mà bố mẹ tôi ly dị, biết đâu mẹ tôi cũng mang tâm trạng lủi thủi và buồn thảm y như thế? Hay là mẹ tôi sẽ thảnh thơi hơn, vui vẻ và hào hứng hơn vì đã có thời gian để lắng nghe con mình? Liệu tôi có trở thành một đứa trẻ ngơ ngác, xộc xệch, luôn chậm tiến hơn so với các bạn cùng trang lứa?
Ta sẽ ra sao khi chỉ có một mình?
Tôi ngồi bên nhóm bạn thân, và khóc. Quyết định ly hôn của tôi chưa rõ ràng nhưng tôi sắp tuyệt vọng rồi, với một người chồng mãi không chịu lớn nhưng lại thích ra uy với vợ con, họ hàng. Tôi không biết mình làm vậy là đúng hay sai, là ích kỷ hay là sòng phẳng với con mình. Một chị bạn của tôi lên tiếng, chị nói với tôi rằng, ly hôn không khó, nhưng em sẽ sống thế nào khi làm mẹ đơn thân? Nếu em chắc chắn là mình đủ vững vàng, không lệ thuộc tinh thần vào một “cái cột nhà” thì em nên rời bỏ. Ngược lại, nếu em cảm thấy dù sao vẫn cần phải có cái “bản lề” để đời khỏi xộc xệch thì em nên quay về, rồi mặc kệ mọi sự, coi như câm điếc đi mà sống, mặc kệ cho cái “bản lề” nó đứng đó, cọt kẹt ra sao thì tùy, mình cứ quay theo quỹ đạo của mình.
Một vài người cũng góp ý rằng tôi còn trẻ quá, tôi làm sao sống đơn thân được mãi? Rồi sẽ lại yêu, rồi sẽ lập gia đình mới, rồi sẽ có con với người chồng mới,… Chi bằng cứ để con tôi sống như hiện nay, dù sao cũng còn máu mủ ruột rà với người cha vô tình…
Tôi sẽ vững vàng cùng con
Tôi bế con ra khỏi căn nhà to lớn, trả lại chồng tôi chìa khóa ô tô. Tôi bắt đầu thuê một ngôi nhà nhỏ, hơi xa trung tâm nhưng yên tĩnh, hàng ngày đi xe máy đi làm và đưa đón con về. Tôi nhận ra là con tôi đã cô độc vô cùng bởi suốt một thời gian dài tôi chỉ về đến nhà là cắm cúi cơm nước, nồi niêu,… rồi vợ chồng tôi cãi cọ, xách mé, đá thúng đụng nia. Trẻ con nhạy cảm, không khí gia đình căng thẳng, sao con có thể bình an?
Bây giờ, hàng ngày tôi nấu cho con món ăn con thích. Dạy con nhào bột, nướng bánh. Cùng con đi học cắm hoa. Tối về, con học bài xong, hai mẹ con cùng ôm nhau thủ thỉ về cuộc sống và những ngày sắp tới. Con tôi buồn vì xa bố – dù sao chồng tôi cũng không đánh đập con như cha tôi hồi nhỏ – nhưng con hoàn toàn chấp nhận được rằng bố mẹ bây giờ không ở bên nhau.
Nếu ai đó hỏi tôi, làm sao để có thể vừa làm mẹ, vừa làm cha, thì tôi sẽ chỉ nói rằng, tôi cảm thấy mình không nên cố gắng. Cứ vui với những gì đang có và để cho mọi thứ tự nhiên thôi.