Cầu mây nữ tại SEAGame 28: Gánh nặng vàng trên những đôi vai trẻ
Với những gương mặt rất mới cả trên sân lẫn trên băng ghế huấn luyện, đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam vẫn có hi vọng giành vàng ở Seagame 28
Cầu mây nữ Việt Nam (áo vàng) đang trong quá trình trẻ hoá.
Ngược dòng thời gian, ngay lần đầu tiên cầu mây có mặt ở sân chơi khu vực tại Indonesia năm 1997, các cô gái Việt Nam đã gây bất ngờ cho đội tuyển số một của cầu mây là Thái Lan bằng lối chơi khá bài bản và mạnh mẽ. Cầu mây là môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật bắt bước một, phát cầu, lên lưới,… rất cao, vì vậy các HLV và VĐV quê hương cầu mây không hiểu tại sao Việt Nam mới chỉ tập luyện vài tháng nhưng lại có thể thi đấu ngang ngửa với họ như vậy. Ở SEA Games năm đó, Việt Nam đã giành HCĐ trước sự ngỡ ngàng của bạn bè.
Kể từ đó, nữ Việt Nam là một thế lực thật sự của làng cầu mây thế giới, là đối thủ mà người Thái luôn phải kiêng dè mỗi khi thi đấu. Dù khá nhiều lần vượt qua Thái Lan để giành chức vô địch thế giới, nhưng ngoài chiếc HCV ở nội dung đá vòng tròn (mà sau này đã bị loại khỏi chương trình thi đấu cầu mây) năm 2003 trên sân nhà, chiếc HCV SEA Games vẫn là niềm khát khao của nhiều thế hệ VĐV cầu mây Việt Nam dù họ đã từng giành hai HCV tại ASIAD 2006.
Ở SEA Games 2013, cơ hội giành HCV của Việt Nam rất lớn khi Thái Lan vắng mặt ở nội dung đôi nữ. Thế nhưng, trước sức ép của hàng ngàn khán giả Myanmar, bộ đôi Hải Thảo và Nguyễn Thị Quyên đã không thể vượt qua được hai VĐV chủ nhà và một lần nữa lỡ hẹn với giấc mơ vàng.
ĐT cầu mây nữ trong chuyến tập huấn ở Thái Lan trước thềm SEA Games.
Năm nay, Việt Nam chỉ cử 8 VĐV tham dự hai nội dung đôi nữ và đội tuyển nữ ở SEA Games 28, lực lượng thậm chí còn ít hơn cả các quốc gia có trình độ kém hơn là Lào (18) và Campuchia (16). Trong đội hình này chỉ còn lại vài gương mặt có kinh nghiệm như Dương Thị Xuyên, Nguyễn Thị Quyên,… còn lại đa phần là những cô gái chưa quá tuổi đôi mươi.
Không chỉ các VĐV thiếu kinh nghiệm, ngay cả bộ máy HLV cũng là những người hoàn toàn mới. HLV trưởng Nguyễn Trọng Thuỷ là trợ lý của HLV Hà Tùng Lập ở SEA Games 27. Đến đầu năm nay, khi HLV Hà Tùng Lập không còn nắm đội thì ông được đưa lên làm HLV trưởng và HLV phó là Trần Thị Vui, nữ cựu tuyển thủ cầu mây mới lần đầu tiên có vinh dự làm HLV đội tuyển.
Tuy gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng thầy trò đội nữ Việt Nam rất phấn chấn trước kỳ Đại hội này. Chia sẻ với chúng tôi trước ngày lên đường, HLV Trần Thị Vui cho biết: “Để giành được HCV SEA Games sẽ rất khó, vì các nước đầu tư mạnh cho cầu mây, trong khi Việt Nam đang trong quá trình “thay máu” nên các VĐV còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và vì các em đang trẻ nên hi vọng sự nhiệt huyết có thể bổ sung cho kinh nghiệm thi đấu.”
Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games, các cầu công trẻ của Việt Nam đã giành được hai HCB ở nội dung đôi và đội tuyển, một HCĐ đồng đội ở giải vô địch thế giới King’s Cup hồi đầu tháng 5 tại Thái Lan. Theo quy định một quốc gia không được tham dự cả ba nội dung của cầu mây nên một trong hai nội dung đôi nữ hoặc đội tuyển nữ sẽ vắng mặt Thái Lan. Đây chính là cơ sở để thầy trò HLV Nguyễn Trọng Thuỷ có thể đổi màu huy chương ở SEA Games 28.
Đội cầu mây nữ sẽ có mặt ở Singapore vào ngày 9/6, nội dung đội tuyển sẽ thi đấu từ ngày 12 đến 13/6, còn nội dung đôi sẽ thi đấu ngay sau đó, từ 14 đến 15/6.
Danh sách ĐT cầu mây Việt Nam tham dự SEA Games 28:
HLV (2): Nguyễn Trọng Thuỷ, Trần Thị Vui.
VĐV (8): Trần Thị Thu Hoài, Dương Thị Xuyên, Bùi Thị Hải Yến, Giáp Thị Hiển, Lê Thị Tâm; Nguyễn Thị Quyên, Trần Thị Việt Mỹ, Hoàng Thị Hoà.
Trưởng đoàn: Lê Thanh Sơn.